Ngày 22/03/2022, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quyết định số 415/QĐ-TTg về Nhiệm vụ quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định này cụ thể hóa Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 về việc phê duyệt tổng thể Khu du lịch Quốc gia Mũi Né (KDL QG) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, KDL QG Mũi Né sẽ trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, là “hạt nhân” đưa Bình Thuận cất cánh, tạo cơ hội phát triển đô thị trở thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo của Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và xa hơn là của cả nước.
Quy hoạch chung xây dựng KDL QG Mũi Né sẽ gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên biển, cát, cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa. Đặc biệt là Danh thắng Bàu Trắng, Bàu Sen, Tháp PosharInư, Đồi cát bay Mũi Né,…
Tổng quan quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch
Khu du lịch Quốc gia Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, TP. Phan Thiết. Diện tích quy hoạch khoảng 14.760ha, cụ thể như sau:
- Khu vực trung tâm là TP. Phan Thiết với diện tích khoảng 6.625ha, gồm các địa phương: phường Mũi Né (2.225ha), phường Hàm Tiến (1.004ha), phường Phú Hài (532ha), xã Thiện Nghiệp (2.564ha).
- Khu vực huyện Bắc Bình khoảng 7.165ha, gồm các địa phương: xã Hòa Thắng (6.030ha), xã Hồng Phong (1.135ha).
- Khu vực huyện Tuy Phong khoảng 970ha (thuộc xã Hòa Phú, thị trấn Phan Rí Cửa).
Phạm vi nghiên cứu gián tiếp
Các khu vực lân cận ranh giới KDL QG Mũi Né thuộc địa bàn các huyện Bắc Bình, Tuy Phong và TP. Phan Thiết được xác định theo Quốc lộ 1A và đường Phan Rí Cửa – Hồng Liêm để đảm bảo khớp nối đồng bộ về tổ chức không gian, quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật với các khu vực lân cận.
Mục tiêu quy hoạch cụ thể
Căn cứ vào Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 và Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu quy hoạch được đề ra như sau:
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Cụ thể:
- Khách du lịch đến Bình Thuận đạt 8,9 triệu lượt người trong đó khách quốc tế khoảng 10-12%.
- Tổng thu từ du lịch đạt 23.300 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 18-20%/năm đóng góp trực tiếp vào GRDP đạt 10-11%.
- Tạo ra khoảng 110.000 việc làm cho người lao động.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;
- Khách du lịch đến Bình Thuận năm 2030 đạt 16 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 15-20%.
- Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 63.000 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 từ 20-22%/năm; đóng góp trực tiếp vào GRDP đạt 12-13%.
- Tạo việc làm cho khoảng 190.000 người lao động.
Tầm nhìn đến 2050
- Đến năm 2035: đón khoảng 19 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 4 triệu lượt khách
- Đến năm 2040: đón khoảng 25 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 6 triệu lượt khách
- Đến năm 2050: đón khoảng 35 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 11 triệu lượt khách
Định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né
Tổ chức không gian phát triển du lịch
Hình thành các phân khu du lịch chính
- Phân khu du lịch biển cao cấp Bắc Bình (dải ven biển từ Hòa Thắng đến giáp bãi biển Long Sơn, phía Đông Bắc Khu du lịch quốc gia Mũi Né, diện tích khoảng 500ha) là khu động lực hạt nhân quyết định trong định hướng phát triển chung của KDL. Khu vực này tập trung phát triển loại hình nghỉ dưỡng, thể thao biển, khám phá biển đảo, nông nghiệp kết hợp đô thị.
- Phân khu du lịch biển Mũi Né (dải ven biển khu vực Mũi Né và Hàm Tiến, TP. Phan Thiết, diện tích khoảng 340ha) là phân khu cốt lõi của KDL. Tập trung phát triển các loại hình không gian công cộng, nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ, đa dạng hóa sản phẩm với các hoạt động giải trí về đêm.
- Phân khu du lịch chuyên đề – Du lịch cát (một phần diện tích phường Mũi Né, TP. Phan Thiết và xã Thiện Nghiệp, diện tích khoảng 100ha) là khu vực khai thác đặc trưng về cảnh quan cát, sinh thái nông nghiệp, thể thao cát kết hợp du lịch sinh thái.
Phát triển 4 trung tâm dịch vụ
Gắn với phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch chung của tỉnh. Chức năng cung cấp dịch vụ, sản phẩm bổ trợ và hậu cần cho Khu du lịch quốc gia Mũi Né gồm:
- Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến (phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết)
- Trung tâm dịch vụ du lịch Mũi Né (phía Nam phường Mũi Né, TP. Phan Thiết)
- Trung tâm dịch vụ du lịch Hòa Thắng (phía Bắc xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, giáp sông Lũy)
- Trung tâm dịch vụ du lịch suối Nước (khu vực Hòn Rơm, phía Đông phường Mũi Né, TP. Phan Thiết)
Các điểm du lịch quan trọng
- Danh thắng Bàu Trắng (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình)
- Công viên vui chơi giải trí Hòn Rơm (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết)
Các tuyến du lịch chính
- Tuyến du lịch đường bộ: phát triển theo các tuyến Quốc lộ 1A, 28, 28B và tuyến đường cao tốc Bắc – Nam (Phan Thiết – Dầu Giây, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết). Mục đích tăng tính kết nối với các trọng điểm phát triển du lịch: TP.HCM, Nha Trang (Khánh Hòa) và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Đà Lạt (Lâm Đồng) và các tỉnh Tây Nguyên, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
- Tuyến du lịch đường sắt: trên cơ sở đường sắt Bắc – Nam và đường sắt tốc độ cao kết nối với khu du lịch Mũi Né theo trục TP. Phan Thiết – TP.HCM và Nha Trang – Đà Nẵng – Hà Nội.
- Tuyến du lịch đường biển: xây dựng bến thuyền du lịch tại Cảng Phan Thiết kết nối KDL QG Mũi Né với các tuyến du lịch đường biển nội địa và quốc tế.
- Tuyến du lịch theo đường hàng không: kết nối từ các sân bay hiện hữu như Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). Giai đoạn sau 2025, có thêm Sân bay Phan Thiết kết nối trực tiếp đến Bình Thuận mà không phải qua các sân bay lân cận.
Các cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông như Sân bay Phan Thiết, cao tốc Bắc – Nam, hệ thống cảng và bến du thuyền.
- Hoàn thiện các hệ thống giao thông nội bộ như các tuyến ven biển, tuyến đường kết nối các phân khu chính của KDL QG Mũi Né: dự án làm mới đường DT.719B (đoạn Phan Thiết – Kê Gà); nâng cấp và mở rộng đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà – Tân Thiện), nâng cấp Quốc lộ 28, 28B,…
- Đề xuất nâng cấp Cảng Phan Thiết cho phép đón khách quốc tế, xây dựng tuyến đường xuống biển và bãi biển công cộng dọc tuyến đường ven biển xã Hòa Thắng – Hòa Phú.
Bản đồ quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né [cập nhật năm 2023]
Bản đồ hiện trạng
Bản đồ quy hoạch chi tiết
Trên đây là những thông tin cập nhật chi tiết quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Né năm 2023. Thường xuyên theo dõi website TPI Land để có thể nắm bắt thông tin chính xác và nhanh nhất nhé!