Trong bối cảnh tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ, nhiều dự đoán trước đó cho rằng, thị trường sẽ không có thanh khoản. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng trong thời gian tín dụng thắt chặt thì chung cư và đất nền lại bùng nổ về giao dịch.
Tín dụng bất động sản chủ yếu đổ về khu đô thị
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,24% so với đầu năm. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng bất động sản đã chậm lại sau nhiều năm, là kết quả của việc kiểm soát, thắt chặt nguồn tiền đổ vào ngành này.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tài trợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản hiện tại chiếm khoảng 35% – tương đương 0,78 triệu tỷ đồng, phần lớn các khoản vay là để đầu tư khu đô thị chiếm 23,2%.
Theo nhận định của các ngân hàng thương mại, hiện nay, lãi suất cho vay mua BĐS vẫn duy trì ổn định nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, về lâu dài, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ phụ thuộc điều kiện lãi suất chung trên thị trường cũng như sức ép lạm phát trong thời gian tới.
Lượng giao dịch bất động sản tăng vọt đầu quý 2
Theo số liệu của Bộ Xây dựng tổng hợp từ các địa phương báo cáo, lượng giao dịch bất động sản trong quý II/2022 tăng vọt so với quý trước đó, mặc dù thời gian này các ngân hàng cũng bắt đầu kiểm soát tín dụng bất động sản.
Cụ thể, trong quý II lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 69.079 giao dịch thành công (tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP. HCM, Cần Thơ), tổng lượng giao dịch bằng khoảng 340% so với quý I/2022 và bằng khoảng 230% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tại miền Bắc có 15.223 giao dịch; tại miền Trung có 19.565 giao dịch; tại miền Nam có 34.291 giao dịch; riêng tại tại Hà Nội có 1.317 giao dịch thành công; tại TP. HCM có 8.284 giao dịch thành công.
Đáng chú ý, lượng giao dịch đất nền bùng nổ trở lại trong quý II/2022 là 213.018 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 138,7% so với quý I/2022 (153.537 giao dịch). Đặc biệt, tại miền Nam, lượng giao dịch bằng gần 200% so với miền Bắc và 150% so với miền Trung . Cụ thể, tại miền Bắc có 39.451 giao dịch; tại miền Trung có 69.088 giao dịch; tại miền Nam có 104.479 giao dịch.
Lượng giao dịch tăng chủ yếu tập trung vào nửa đầu quý 2 khi người dân ồ ạt đi gom BĐS trước nỗi lo lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, từ nửa sau quý 2 các ngân hàng có động thái kiểm soát tín dụng bất động sản, đây mới chỉ là giai đoạn đầu nên chưa tác động quá nhiều tới thị trường. Các chuyên gia dự đoán có thể sang quý III/2022, lượng giao dịch sẽ tụt giảm.
Không phát sinh hàng tồn kho sản phẩm nhu cầu thực
Theo Bộ Xây dựng, trong quý II/2022, tổng lượng giao dịch là 69.079 giao dịch, nguồn cung bất động sản có 27.160 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch. Qua đánh giá cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường quý II tốt hơn.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao. Các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho.
Bộ Xây dựng cho hay, các dự án được mở bán hầu hết đều có tính thanh khoản tốt, chủ đầu tư hầu như không có lượng sản phẩm tồn, không có giao dịch. Hiện nay, lượng tồn kho bất động sản hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.
Đánh giá tổng kết quý 2, Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế. Nguồn cung mới bị hạn chế chủ yếu là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản, ngoài ra việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu,… cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế. Nhà ở, đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong nửa đầu năm 2022, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội, tuy nhiên, nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít.
Tình hình giao dịch các sản phẩm bất động sản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 tuy nhiên đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình căn hộ chung cư trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đất nền.
Nguồn: cafeF.vn